Phương pháp Montessori được lấy tên tiến sĩ Montessori – nhà triết học, nhân văn học, giáo dục học và nữ bác sĩ người Italia.
Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan. Đây là phương pháp lấy khả năng tự học là nền tảng cơ sở. Chú trọng khả năng sẵn có, không áp đặt trẻ, chỉ quan sát đưa ra gợi ý và hỗ trợ khả năng tự phát triển của trẻ.
Phương pháp này giúp trẻ tự lập, ham học hỏi, yêu quý môi trường sống. Trẻ trở nên hoạt bát, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người, có thể tự chăm sóc bản thân.
PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI TÁC ĐỘNG TRÊN 5 LĨNH VỰC
Thực hành cuộc sống:
Trẻ học cách tự chăm sóc mình và môi trường của chúng thông qua các công việc “thực tế’’ bằng giáo cụ quy chuẩn được thiết kế chuyên biệt dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Giác quan:
Các bài tập dành cho trẻ đảm bảo trẻ vận dụng cả 5 giác quan để phát triển toàn diện: nhận diện màu, trẻ sẽ được hoạt động trên nhiều vật liệu giấy, gỗ, cát, nhựa, nước,…). Với mỗi bài tập, trẻ sẽ tăng cường được khả năng phối kết hợp giữa các bàn tay, cánh tay và các ngón tay.
Ngôn ngữ:
Trẻ được khuyến khích bày tỏ bản thân mình bằng lời, trẻ được học cách nhận biết mặt chữ, cách đánh vần, ngữ pháp và kỹ năng viết.
Toán học:
Trẻ được làm quen với các biểu tượng số học thông qua nhận biết về lượng mang tính cụ thể, từ đó nhận biết các con số, các phép tính về số học (cộng, trừ, nhân, chia) đơn giản,…
Văn hóa (Lịch sử, Địa lý, Khoa học, Nghệ thuật)
Trẻ được học về các đất nước, động vật, thời gian, lịch sử, âm nhạc…
NGUYÊN TẮC CỦA PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI
Cho trẻ được tự do hoạt động
Ở các lớp học Montessori, trẻ tự do lựa chọn hoạt động theo mức độ phát triển của lứa tuổi. Các bài tập Montessori ưu tiên sự phát triển tính tập trung và cá nhân. Dù trong nhà hay ngoài trời hãy cho trẻ được tự do khám phá mọi thứ theo cách của riêng mình, miễn sao trẻ được bảo đảm an toàn. Từ đó, trẻ sẽ học được cách tự lập, trí tuệ trẻ cũng được kích thích, khả năng tư duy vốn có của trẻ cũng phát triển.
Hãy để trẻ được làm
Trong các hoạt động thực hành cuộc sống, trẻ sẽ được thực hành: thay đồ, xếp đồ, dọn bàn ăn, tập cầm đũa, tưới cây, thu hoạch rau,….Trẻ cũng được học về nề nếp, thói quen: xếp hàng, rửa tay trước khi ăn, tập phân loại rác, biết chào hỏi, cám ơn, xin lỗi,…. Những kỹ năng này sẽ giúp các con trở nên tự tin, chủ động và sẵn sàng cho cuộc sống tương lai.
Đừng vội la mắng khi trẻ phạm sai lầm
Trước khi phán xét việc trẻ làm đúng hay sai, chúng ta nên dạy con bằng cách làm mẫu trước để trẻ có thể nhìn nhận những điều đúng đắn. Hãy khích lệ, động viên và ghi nhận sự cố gắng của trẻ thay vì cho quà, khen ngợi. Khi trẻ làm sai đừng nghiêm trọng hóa vấn đề mà hãy giúp trẻ nhận thức được mình sai chỗ nào và cần sửa sao cho đúng.
Trẻ cần tập trung khám phá
Trẻ sẽ luôn muốn tìm tòi, học hỏi điều mới với khả năng nhớ và tiếp thu kiến thức cực nhanh. Khi thấy trẻ đang say mê một việc làm nào đó người lớn không nên xen vào ngoại trừ có một lý do đặc biệt và không được bỏ rơi trẻ. Trẻ cần sự tập trung để tìm ra nhiều cách chơi của riêng mình, cũng như giải quyết vấn đề gặp phải trong lúc chơi. Hãy quan sát, đưa ra những gợi ý và hỗ trợ để trẻ mở rộng thêm kiến thức.
Trẻ sẽ mở rộng nhận thức nhờ thiên nhiên
Kiến thức không chỉ gói gọn trong không gian lớp học hãy cho trẻ được khám phá, trải nghiệm thực tế ở ngoài trời
Hãy đồng hành, hỗ trợ đừng bắt tay chỉ việc
Trẻ sẽ là trung tâm của các hoạt động học tập, người lớn chỉ giúp trẻ khai thác những tiềm năng có sẵn ở trẻ. Người lớn sẽ là người hướng dẫn, khuyến khích trẻ chủ động với môi trường xung quanh, học theo năng lực và sở thích của mình. Khi bị áp đặt, định hướng quá nhiều trẻ mất đi khả năng tư duy vốn có, không phát huy được khả năng tự học, tự khám phá từ đó trẻ sẽ mất đi hứng thú vào việc tìm tòi, trải nghiệm.
Trường Mầm Non Vườn Tuổi Thơ-Kidsgarden Preschool