Giáo sư Glenn Doman (1919 - 2013) là nhà vật lí trị liệu, người sáng lập “Viện nghiên cứu và phát triển tiềm năng con người”, ông cũng là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho xu hướng giáo dục con tại nhà, với quan điểm cha mẹ chính là người thầy đầu tiên.

Phương pháp giáo dục Glenn Doman kích thích trí thông minh của trẻ bằng Flashcard hay Dotcard chứ không dạy cho trẻ biết đọc, biết viết. Phương pháp giáo dục qua hai loại thẻ thẻ số và thẻ chữ nên sẽ chia thành hai chương trình dạy: chương trình đọc và chương trình toán.

Những ưu điểm của phương pháp giáo dục Glenn Doman:

  • Nếu trẻ không hào hứng, chúng sẽ tiếp thu rất chậm và khó khăn nên phương pháp này sẽ khơi dậy niềm hứng thú và yêu thích ở trẻ.
  • Trẻ càng được tiếp xúc ngôn ngữ đa dạng thì khả năng học tập, tiếp thu ngôn ngữ sau này càng dễ dàng qua đó giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu và hứng thú đọc sách.
  • Việc sử dụng thẻ flashcard sẽ giúp trẻ hiểu thêm về nhiều sự vật hiện tượng mà trẻ không dễ dàng được tiếp xúc trực tiếp.

Những nguyên tắc khi áp dụng phương pháp Glenn Doman:

  • Cho trẻ tiếp cận với phương pháp Glenn Doman càng sớm càng tốt nhưng phải phù hợp với sự tiếp thu kiến thức của trẻ. Khi trẻ nhỏ có khả năng lĩnh hội những kiến thức sâu rộng hơn thì nên cho trẻ tiếp cận, ngược lại nếu trẻ lớn mà chưa có kiến thức cơ bản thì vẫn phải dạy cái cơ bản trước không được nhảy vọt.
  • Với trẻ nhỏ, chơi có ích nghĩa là học, mà học một cách hứng thú nghĩa là chơi.
  • Trẻ rất thích bắt chước, dần dần tạo nên hứng thú khám phá mọi thứ ở trẻ. Đó là cách mà chúng ta khơi dậy niềm đam mê trong trẻ.
  • Trẻ dễ bị yếu tố bên ngoài tác động vì thế người lớn phải kiên trì. Người lớn cần quan sát hành động, ngôn ngữ và hoàn cảnh để cổ vũ, khích lệ trẻ nhờ đó trẻ sẽ vui vẻ, tự tin và nỗ lực vươn lên. Ngược lại, những lời trách mắng, ngăn cấm, đòn roi chỉ làm trẻ sợ hãi, buồn bực, mặc cảm, ảnh hưởng rất lớn tới hành vi của trẻ sau này.

  • Với trẻ nhỏ không có khái niệm dễ và khó, sợ hay không sợ, trong suy nghĩ của chúng chỉ có hứng thú và không hứng thú, thích và không thích. Cái gì trẻ thích thì được coi là dễ, và cái gì không thích thì được coi là khó => Chính vì vậy khi thấy trẻ hứng thú với cái gì thì người lớn nên cho trẻ tiếp xúc, trải nghiệm cái đó.
  • Nội dung học trong cuộc sống rất phong phú, nơi nào cũng có thông tin, niềm vui và sự hứng thú. Trẻ sẽ tự mình liên kết các thông tin và tổng kết thành các quy luật. Chúng rất giỏi việc này và việc của người lớn chúng ta là xác định lại kiến thức đúng sai giúp trẻ.

Trường Mầm Non Vườn Tuổi Thơ – KidsGarden Pre school